Thị trường chứng khoán Việt Nam tuổi 18 vị thành niên giao dịch khá thận trọng và bình tĩnh ở vùng điểm quanh 1,000, mặc dù nền kinh tế có độ mở lớn và phải đối diện với nhiều cú sốc kinh tế thế giới.
N. Gregory Mankiw, giáo sư kinh tế trường Đại học Harvard đã trình bày trong một tác phẩm về kinh tế vĩ mô rằng, khái niệm “nền kinh tế” (Economy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (Oikonomos) và nó có nghĩa là “người quản gia”, bởi vì hoạt động của nền kinh tế chẳng qua phản ánh tác động gộp hành vi của những cá nhân. Và cũng vì thế mà kinh tế học giải thích, đo lường, mô tả và dự báo sự vận hành của nền kinh tế dựa trên những nguyên lý cơ bản nhất về cách con người trong nền kinh tế đó ra quyết định và cái cách họ tương tác với nhau [1].
Cùng một logic đó, thị trường chứng khoán mặc dù phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, sự phát triển của chỉ số chứng khoán có tương quan mạnh đến hành vi của các thành phần tham gia thị trường như nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các định chế tài chính v.v…
Tính từ ngày có phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam 28/07/2000, chỉ còn ít phiên giao dịch nữa kết thúc năm 2018, VN-Index chính thức bước sang tuổi 19. Quan sát biểu đồ 18 năm phát triển, xu hướng chủ đạo (Primary trend) của thị trường Việt Nam là tăng trưởng, với điểm nhấn là hai ngọn “sóng thần” trùng hợp ở vùng 1,200 điểm. Thị trường Việt Nam tuổi 18 vị thành niên giao dịch khá thận trọng và bình tĩnh ở vùng điểm quanh 1,000, mặc dù nền kinh tế có độ mở lớn và phải đối diện với nhiều cú sốc kinh tế thế giới.
Biểu đồ VN-Index suốt 18 năm thành lập và phát triển
Dù vậy, trên phương diện phân tích kỹ thuật, vùng kháng cự 960 nếu không chinh phục thành công, xu hướng giảm ngày càng đè nặng lên chỉ số, viễn cảnh của lần điều chỉnh tiếp theo khó trụ nổi ở khu vực 880, rủi ro rơi mạnh xuống vùng 600 – 700.
Trên đường biên giới giữa những quốc gia, ngoài dòng trao đổi thương mại của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, còn có sự lưu chuyển ra vào của dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Chiến tranh thương mại lôi kéo dư luận chú ý về tầm quan trọng của cán cân thương mại, hiệu số của xuất khẩu trừ nhập khẩu, giá trị xuất khẩu ròng thặng dư hay thâm hụt. Thực ra, sự lưu chuyển của dòng vốn cũng quan trọng không kém, bởi vì vốn vật chất (Physical Capital) là một trong những yếu tố quan trọng nhất đủ sức mạnh thúc đẩy năng suất của một quốc gia tăng trưởng trong dài hạn, bên cạnh các yếu tố về vốn con người (Human Capital), tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources) và kiến thức công nghệ (Technological Knowledge) [1]. Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng một nền kinh tế có thể chuyển mình phát triển mà không cần sự hỗ trợ của dòng vốn vào ròng.
Thế trận về mặt chỉ số của một thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố quyết định dòng vốn sẽ đi ra hay đi vào một quốc gia. Bởi vì bản chất các dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp qua thị trường tài chính, cuối cùng cũng là theo đuổi mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư. Nếu tín hiệu kỹ thuật chỉ rõ xu hướng giảm với biên độ rơi đến vài trăm điểm thì khả năng cao thị trường sẽ chứng kiến hiện tượng đảo ngược dòng vốn mạnh mẽ, vốn ngoại khả năng rút mạnh khỏi Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Fed nhăm nhe tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu.
Mặc dù, nghiên cứu khoa học đã chứng minh được hành vi mua bán của nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam có tính chất bầy đàn [2]. 18 năm qua, nhà đầu tư đã nếm trải bao nhiêu thăng trầm, lỗ lãi để trưởng thành, bài học kinh nghiệm trả bằng những khoản học phí đắt đỏ cần khắc ghi tránh lập lại sai lầm… Vậy mà, dường như đây là khoảnh khắc hiếm hoi thị trường đòi hỏi phải biết quên đi… Trí nhớ về những ngày thị trường “trắng bên mua” hay “tắm máu”, hay ký ức về những vùng giá là “mắc” hay “rẻ” dường như đang lung lay theo một dòng phân hóa mạnh mẽ của thị trường.
Nôm na để hình dung thì một thị trường giai đoạn “vị thành niên” sẽ khác với thị trường thời “thanh thiếu niên”. Việt Nam là một cái tên gần đây được nhắc đến trong những bài phân tích ai lợi ai hại trong cuộc chiến thương mại, là một trong những thị trường được nhiều chuyên gia nhận định khả năng thuộc top hưởng lợi cao nhất. Đồng thời là một thị trường thuộc nhóm theo dõi nâng hạng gia tăng tỷ trọng rót vốn đầu tư, là một nền kinh tế chuẩn bị bước vào thời kỳ mới nổi, và đang chứng kiến một nỗ lực cải cánh thể chế, cải cách Luật chứng khoán rất mạnh mẽ để đưa Việt Nam phù hợp và hòa nhập quốc tế.
Nếu tổng sản phẩm quốc nội GDP của năm 2018 là một chỉ số kinh tế đo lường giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà Việt Nam được sản xuất trong năm 2018 [1]. Thì VN-Index lại có khả năng đo lường kỳ vọng cho sự tiếp tục phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng tương lai chứ không phải chỉ là sức khỏe hiện tại của nền kinh tế.
Trong những thời điểm đối mặt với những ngưỡng kháng cự quan trọng như hôm nay, VN-Index có vượt được hay không phụ thuộc vào sự đánh giá của bản thân từng thành phần thị trường về sự phát triển của kinh tế nói chung, của từng doanh nghiệp niêm yết nói riêng.
Vậy bạn thì sao, niềm tin kinh tế Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa phát triển của bạn có đủ lớn hay chúng ta chỉ đơn giản đang đi vào hồi suy thoái của một chu kỳ kinh tế, bước vào thị trường gấu ngủ đông?
Đáp án của câu hỏi này chính là viễn cảnh của VN-Index, lịch sử và bài học những năm thị trường thanh thiếu niên 2008 cần đưa vào lãng quên…
Nguồn: Vietstock.vn